Khoa học và công nghệ đồng hành với đất nước và dân tộc

Sinh thời, Bác Hồ nói và viết về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) rất giản dị, gần gũi, ít khi dùng thuật ngữ chuyên môn khó hiểu. Nhưng trong đó vẫn ẩn chứa những luận điểm rất cơ bản, rất quan trọng và còn nguyên giá trị về vai trò của KH&CN trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Bác Hồ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bao bộn bề công việc nhưng luôn quan tâm đến khoa học và kỹ thuật. Ngày 30/1/1956, Bác viết bài “Quý trọng những người khoa học tiến bộ”, trong đó nhắc nhở chúng ta “phải quý trọng những người khoa học tiến bộ đời nay và phải biết ơn những người khoa học tiến bộ đời xưa, vì họ có công to lớn với xã hội”; Tháng 2/1958, trong bài “Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến”, Bác chuyển đến nhân dân trong nước và ngoài nước thông điệp “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”.

Ngay từ những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, Đảng ta đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển khoa học và kỹ thuật. Lần đầu tiên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II năm 1951, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ ra 15 chính sách cần thi hành nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi và đặt cơ sở kiến thiết quốc gia, trong đó phải cải cách chế độ giáo dục và “phát triển khoa học, kỹ thuật”.

Ngày 18 tháng 5 năm 1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho CNXH thắng lợi.... các cô, các chú phải đem hiểu biết khoa học kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”.

Lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KH&CN nước nhà trong 60 năm qua “KH&CN phải gắn với sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân” và ngày 18/5 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành KH&CN Việt Nam.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt chiều dài lịch sử, ngành KH&CN luôn đồng hành với đất nước và dân tộc, dù trong thời chiến hay thời bình, tinh thần “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân” luôn tỏa sáng, đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Ngày 13/3/1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) được Ban Bí thư giao nhiệm vụ tham mưu xử lý “những vấn đề mới và lớn” để triển khai Chỉ thị số 133-CT/TW về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh.

Chính trong giai đoạn này đã xuất hiện cánh đồng 5 tấn, 10 tấn ở nhiều địa phương, điển hình nhất là ở tỉnh Thái Bình nhờ việc nghiên cứu ứng dụng các giống cây lương thực mới, các qui trình gieo cấy tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đã đảm bảo lương thực không chỉ cho người dân miền Bắc mà còn đảm bảo chi viện cho quân dân miền Nam - tuyến đầu Tổ Quốc. Các nghiên cứu trong lĩnh vực y dược cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, những công trình về sốt rét, về lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa đã phục vụ kịp thời việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cho hàng triệu chiến sĩ quân đội trên chiến trường, gắn liền với các tập thể khoa học, đứng đầu là các giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng…

Nhiều công trình, đề tài khoa học quan trọng đã được ứng dụng vào thực tiễn phục vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc gắn với tên tuổi của nhiều nhà khoa học lớn của đất nước, như các công trình nghiên cứu của GS. Đàm Trung Đồn ứng dụng trong lĩnh vực điện, điện tử; các công trình của GS. Bùi Huy Đáp, GS. Lương Đình Của trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hệ thống các công trình nghiên cứu chống nhiễu ra đa phục vụ các binh chủng phòng không, không quân; các giải pháp chống nhiễu và duy trì các đài phát cho hệ thống thông tin vô tuyến; các nghiên cứu cải tiến vũ khí, trong đó có tên lửa phòng không SAM-2 bắn hạ máy bay B-52 trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”; các kết quả của công trình rà phá bom và thủy lôi từ trường giải tỏa cảng Hải Phòng gắn với tên tuổi các nhà khoa học lớn như GS. Vũ Đình Cự đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới “cả nước độc lập thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng XHCN”. Đây là giai đoạn ngành KH&CN tham gia tích cực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1981 về Chính sách KH&KT, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã tổ chức lại hoạt động KH&KT của các ngành, các địa phương trong cả nước, phục vụ có hiệu quả hơn các yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng các chương trình KH&CN quốc gia, chỉ đạo xây dựng các chương trình KH&CN các ngành, địa phương phục vụ trực tiếp ba chương trình mục tiêu gồm: chương trình lương thực, thực phẩm, chương trình hàng tiêu dùng và chương trình hàng xuất khẩu.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, một số chuyên gia nước ngoài đã phải lắc đầu bất lực bởi một vùng đất “Đến đây xứ sở lạ lùng, Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê”. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang Đồng Tháp Mười. Từ một vùng đất chết, ngập úng, bạt ngàn lau sậy năm nào, ngày nay đồng tháp mười đã  trở thành vùng sản xuất lúa, tràm, bạch đàn… chủ lực của ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, khu vực dân sinh và giao thương sầm uất của vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long. Tiến công vào đồng tháp mười là một sự chuyển biến vượt bậc, là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, trong đó có sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam.

Dưới ánh sáng của Đại hội VI của Đảng năm 1986, "xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển kinh tế", nhằm thực hiện di chúc của Bác: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân".

Trong  35 năm đổi mới, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong quản lý nhà nước về KH&CN bằng công cụ pháp luật và hình thành môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Thông qua hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, đã từng bước xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động KH&CN; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức KH&CN; tạo môi trường học thuật tiên tiến và từng bước thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN tài năng.

Doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia với chính sách dẫn đường của Chính phủ tạo đà cho khu vực tư nhân và các doanh nghiệp lớn xoay trục, đầu tư chiến lược cho công nghệ. Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên ý tưởng công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới trở thành một xu hướng tiến bộ thu hút sự quan tâm của người trẻ ở Việt Nam.

Nghiên cứu cơ bản góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp cơ sở khoa học và luận cứ cho việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước và xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng; khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ.Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư. Đến nay, cả nước có nhiều  vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và khu công nghệ thông tin tập trung. Riêng 03 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công, tiêu biểu như: thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng độ sâu 120 mét nước, làm chủ công nghệ tiên tiến trong xây nhà cao tầng, công nghệ xây dựng cầu theo phương pháp đúc hẫng, cầu dây văng, đường cao tốc, ga hàng không, bến cảng,..

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin - truyền thông, KH&CNđã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến, đáp ứng các yêu cầu tác chiến.

Trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắc xin và sinh phẩm đã đạt ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Minh chứng cho thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, Bộ KH&CN chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đã huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai theo quy trình, đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ .

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng rất kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành và doanh nghiệp để cập nhật, trao đổi, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng vi-rút SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước  nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.../.


TS.Trần Quang Tuấn

Nguồn tin: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây